Guitarist Kim Chung: Cần nhiều tác phẩm Việt Nam cho công chúng guitar
Thứ Tư, 07/12/2011 13:25
(TT&VH) – 20g ngày 10/12 tại Nhạc viện TP.HCM, guitarist Kim Chung sẽ có buổi biểu diễn chương trình riêng của mình. Kim Chung sẽ trình tấu 12 tác phẩm, trong đó có 6 tác phẩm chuyển soạn từ những ca khúc “vượt thời gian” và 2 concerto biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TP.HCM, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Vương Thạch.
Kim Chung đã tham gia trình diễn trong rất nhiều chương trình, nhưng đây là chương trình thứ 3 của riêng cô và cũng là lần thứ 3 biểu diễn cùng dàn nhạc. Điều đặc biệt trong chương trình này là Kim Chung biểu diễn rất nhiều tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc Việt Nam. TT&VH có cuộc trò chuyện với Kim Chung.
“Vô tư” trong hoạt động nghề nghiệp
* Tại sao trong Guitar Festival 2011 chị không tham gia mà làm đêm nhạc riêng?
– Từ cách đây 1 năm, BGĐ nhạc viện đã đề nghị Kim Chung chuẩn bị một số bài để biểu diễn chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Nhạc viện TP.HCM. Từ đó đến nay, tôi đã tập trung hết sức mình để chuẩn bị và rồi ý tưởng chợt đến là: Tại sao lại không làm hẳn một chương trình riêng của mình, để chúc mừng nhạc viện và cũng là để tri ân khán giả của tôi. Bởi vì, khi mình hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật này, để có được vị trí trong lòng khán giả như hiện nay quả thật không dễ, mà giữ vững được vị trí đó lại càng khó.
* Trong giới guitar TP.HCM, có thể nói Kim Chung là người có khá nhiều đêm trình diễn riêng, lại trình diễn với dàn nhạc giao hưởng nhiều tốn kém. Động lực nào thúc đẩy chị làm điều đó?
– Động lực thúc đẩy tôi tổ chức các buổi biển diễn, rồi biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng nhiều tốn kém, phát hành đều đặn album… có sự khởi nguồn từ tính… “vô tư” trong hoạt động nghề nghiệp.
Các hoạt động biểu diễn và phát hành album, tôi đều phải tự lo gần như tất cả. Nhưng tôi rất vui, khi nhận được nhiều phản hồi tốt từ các thầy giáo cũ, đồng nghiệp, bạn bè và khán giả. Tất cả cũng chỉ với mong muốn đem âm nhạc hàn lâm đến gần với công chúng nghe nhạc hơn với những bản nhạc nổi tiếng, giai điệu hay.
Là người nghệ sĩ, được khán giả yêu quý, trân trọng, tôi mong là mình giữ mãi được tình cảm quý giá đó. Vì vậy những buổi biểu diễn hoặc phát hành album nó như một trách nhiệm nghề nghiệp đối với công chúng mến mộ.
* Chị có thể chia sẻ về tầm vóc của 2 tác phẩm trình diễn chung với dàn nhạc giao hưởng lần này?
– Bản ConcertoFantasia para un Gentilhombre do nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha Joaquin Rodrigo (1901-1999) viết cho guitar solo và dàn nhạc năm 1954 theo lời đề nghị của guitarist lừng danh Andres Segovia. Đây là tác phẩm nối tiếng chỉ sau bản Concerto de Aranjuez của ông.
Concerto thứ hai là của nhạc sĩ nổi tiếng trường phái Baroque Antonio Vivaldi (1678-1741). Ông được biết đến nhiều nhất bởi 500 bản concerto viết cho các nhạc cụ, hơn 40 vở opera… Bản concerto giọng rê trưởng cho guitar solo cùng dàn nhạc là một trong những tác phẩm nổi bật, mang tính hiện đại, cho đến nay vẫn được trình diễn tại nhiều phòng hòa nhạc uy tín trên thế giới.
Buồn vì guitarist ngày càng ít
* Khác với rất nhiều buổi biểu diễn guitar khác, lần này có đến một nửa chương trình là tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc, chị có thể chia sẻ về việc này?
– Trong album vol.2 của tôi duy nhất bài Việt Nam là Hoài cảm, khi chuyển soạn cho guitar, tôi đã sử dụng kỹ thuật tremolo (reo dây) để thể hiện giai điệu rất trữ tình của tác phẩm, có lẽ do sự hòa hợp ăn ý của kỹ thuật này trong việc thể hiện tác phẩm Việt Nam nên khá đông người hâm mộ phản hồi muốn tôi đàn nhiều ca khúc Việt Nam hơn nữa. Tôi cũng nghĩ rằng: để góp phần làm khán giả Việt Nam yêu nhạc cổ điển hơn nữa thì luôn phải có các tác phẩm Việt Nam, đặc biệt là những tình khúc sống mãi với thời gian, vì những tác phẩm này đã có “tuổi thọ” rất nhiều rồi, đó chính là người bạn đồng hành, là ký ức, là hiện tại… của đại đa số người Việt Nam.
* Thông thường các guitarist nghĩ rằng các bản nhạc chuyển soạn từ ca khúc Việt Nam không thể hiện được đẳng cấp kỹ thuật của họ, sao chị lại làm điều này?
– Việc có chơi ca khúc Việt Nam hay chơi ca khúc Việt Nam là “dễ” về kỹ thuật thì còn tùy ở nhiều quan điểm khác nhau về biểu diễn âm nhạc. Tôi nghĩ có nhiều cách chuyển soạn khác nhau, phù hợp với tình cảm, kỹ thuật trình tấu, sức sáng tạo, khả năng đem lại những cái mới cho bản nhạc. Với tôi thì đó là kỹ thuật tremolo, khả năng hòa âm với sự thỏa thích tìm tòi những hợp âm mới, tạo ra nhiều màu sắc đa dạng, cùng với kỹ thuật biến tấu giai điệu.
* Ca sĩ bỏ tiền làm live show là để giữ hình ảnh để chạy show kiếm tiền, guitarist như chị bỏ tiền làm show chỉ để thỏa mãm đam mê thôi sao?
– Đúng là như thế, làm live show chắc không nhằm mục đích gì khác ngoài… đam mê! Dành dụm tiền bán CD trước để làm show, để làm tiếp CD sau, và thật sự thì bạn bè cũng giúp đỡ nhiều trong suốt quá trình sản xuất CD, ví dụ như làm không lấy tiền, hoặc lấy giá tượng trưng… Cuối cùng thì làm show là để kéo khán giả Việt Nam ngày càng đến gần với guitar cổ điển nói riêng, và với âm nhạc hàn lâm nói chung.
* Chị nghĩ gì về tình hình biểu diễn, thưởng thức guitar cổ điển hiện nay tại TP.HCM?
– Tôi nghĩ là rất đông các bạn trẻ yêu thích guitar, vì người Việt Nam mình vốn dĩ rất yêu âm nhạc. Số lượng người trí thức yêu thích âm nhạc ngày càng tăng lên, tỷ lệ thuận với trình độ học vấn của người Việt Nam, nhưng điều đáng buồn là các guitarist chuyên nghiệp ngày càng ít hơn.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Hữu Trịnh (thực hiện)
Trích từ nguồn: http://thethaovanhoa.vn/297N20111207082042714T133/can-nhieu-tac-pham-viet-nam-cho-cong-chung-guitar.htm
Tag Cloud:
Leave a comment