Giấc mộng vườn hoa – Món quà của nghệ sĩ Guitar Kim Chung

“Giấc mộng vườn hoa” – món quà của nghệ sỹ guitar Kim Chung

16:03:34 31/01/2008
Giấc mộng vườn hoa” là album thứ hai của nữ nghệ sĩ guitar Kim Chung, sau album đầu có chủ đề “Recuerdos de tremolo” (Hoài niệm Tremolo). Kỹ thuật tremolo là sở trường của Kim Chung, và được chị tiếp tục thể hiện trong album thứ hai này, đem lại những cảm xúc mới mẻ cho các tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng.

Trong “Giấc mộng vườn hoa”, Kim Chung vừa độc tấu solo vừa độc tấu cùng ban nhạc (nhạc nhẹ và cổ điển) những tác phẩm âm nhạc cổ điển đã trở thành kỷ niệm với rất nhiều người yêu nhạc (Canon in D major của Pachelbel, hai bản Ave Maria của Bach/Gounod và Schubert, Concerto in D major của Vivaldi, Waltz no 7 của Chopin…). Hoài cảm (Cung Tiến) là bản nhạc Việt duy nhất trong album, như một khoảnh khắc của sự đổi thay, đưa người nghe vào một không gian thân thuộc hơn…

Bằng ngón đàn giàu nữ tính, trên nền âm thanh êm dịu, Kim Chung đưa người nghe vào cuộc hành trình âm nhạc của mình với tiếng Tây Ban Cầm réo rắt dẫn đường. Những kỹ thuật “kinh điển” của guitar đã được thi triển nhưng lại được làm mềm đi, được “giấu” sau những giai điệu đẹp và hòa âm mượt mà.Giấc mộng vườn hoa là một đĩa nhạc rất giàu tính thư giãn, thực sự một món quà âm nhạc dễ chịu dành cho tất cả mọi người. Một lần nữa, Kim Chung chứng tỏ sự “dấn thân” của mình vào thé giới âm nhạc của riêng chị với bạn đồng hành là cây guitar.

Một số bản nhạc được coi là điểm nhấn của album: “Canon in D major” là bản viết cho đàn organ nhà thờ bởi nhạc sĩ vĩ đại Johann Pachelbel người Đức – một nhạc sĩ sáng tác và biểu diển đàn organ nhà thờ cuối thế kỷ 17, ông đã triển khai các hình thức âm nhạc phức điệu. Từ CANON còn được dịch là “hát đuổi”, là 1 hình thức đuổi bắt giai điệu , chính tính chất đuổi bắt đó đã tạo động lực phát triển âm nhạc mạnh mẻ.

Avemaria” với phần đệm được viết bởi nhạc sĩ vĩ đại Johann Sebastian Bach thế kỷ 17 , chính là prelude số 1 – tập 1 – trong 2 tập bình quân luật viết cho piano của Bach. Sau cả 1 thế kỷ nhạc sĩ Gounod người Pháp vì quá xúc động trước sự lộng lẫy của đường nét hoà âm nên  ông đã viết phần giai điệu ngọt ngào cho thanh nhạc (hát) và dùng prelude số 1 này làm phần đệm cho giai điệu ông viết.

Kim Chung đã chuyển soạn lại tác phẩm này cho guitar bằng kỹ thuật tremolo với mong muốn giai điệu được ngân dài, không ngắt quãng. “Giấc mộng vườn hoa” của Barrios. Barrios không chỉ là một nhà soạn nhạc,ông còn là một nhà thơ, nên âm nhạc của ông mang đậm chất thơ. Được thể hiện qua giai điệu và hoà âm rất phong phú.

Trong khi đó tính năng nhạc cụ của guitar rất hạn chế. Để đáp ứng được phần giai điệu và hoà âm đó, người chơi guitar phải đối đầu với những kỹ thuật vô cùng khó. Do đó để chinh phục được tác phẩm này, Kim Chung đã phải tốn rất nhiều công sức cho việc tập luyện và phải tư duy để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để kỹ thuật chơi được dễ dàng hơn. Đây là tác phẩm Kim Chung tâm đắc nhất trong CD, vì giai điệu và hoà âm thật đẹp và lộng lẫy, thêm vào đó là những kỹ thuật thật sự khó. Nhưng Kim Chung đã chinh phục được và quyết định chọn GMVH làm tựa đề cho CD Vol 2.

Waltz no 7” với nguyên tác viết cho piano bởi nhạc sĩ vĩ đại trường phái lãng mạn người Balan, đã được Kim Chung chuyển biên cho guitar cùng với sự xếp ngón công phu. Do sự khác biệt về tính năng nhạc cụ nên công việc chuyển biên từ piano sang guitar đòi hỏi sự tính toán kỷ lưỡng trong kỷ thật xếp ngón sao cho có thể lả lướt bằng kỷ thuật của guitar mà vẫn giữ nguyên phần hoà âm và giai điệu của tác giả.

Với “Hoài cảm”, Kim Chung đã dùng kỷ thuật tremolo liên 7 để vào đầu tác phẩm. Đặc điểm của tremolo liên 7 là rất nhanh nhưng hiệu quả lại làm cho tiết tấu chậm lại (ngược lại với tremolo liên 4), đoạn 2 (sau phần giang tấu) Kim Chung đã dùng tempo nhanh hơn để tạo sự khác biệt so với đoạn đầu do kỹ thuật tremolo liên 7 đã làm chậm đi, đoạn 3 Kim Chung dùng liên 3 đơn (nhanh hơn 2 đoạn trước) để thể hiện cao trào của bài . Đoạn 3 có thể nói nôm na là biến tấu tiết tấu.

Tóm lại, Bài Hoài cảm được chơi 3 lần với tốc độ từ chậm đến nhanh dần để thể hiện cảm xúc bắt đầu nhẹ nhàng,dâng trào ở đoạn giữa và mãnh liệt vào đoạn cuối. Bài Hoài Cảm là bài Việt duy nhất và được đặt ở vị trí  cuối CD như một lời kết của CD vol 2 này, mở ra một khoảnh khắc của sự đổi thay, đưa người nghe vào một không gian thân thuộc hơn. Đồng thời cũng hé mở cho một dự án nho nhỏ mà Kim Chung đã và đang thực hiện.

Học ở Tây Ban Nha 2 năm, Kim Chung học được rất nhiều về nền văn hoá và con người bản xứ.Điều này giúp cho Kim Chung có thể cảm nhận được dễ dàng hơn ý nghĩa của từng tác phẩm, hiểu được sâu sắc hơn tâm hồn của tác giả.

Trích từ nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2007/12/84450.cand

Tag Cloud:

By admin

Leave a comment