Guitarist Kim Chung: Nghệ sĩ phải tìm cách để đến với công chúng
Thứ Ba, 28/05/2013 12:49
(Thethaovanhoa.vn) – Cách đây gần 10 năm (2004) làng guitar cổ điển TP.HCM có CD Góp lá mùa xuân của Trần Hoài Phương – trình tấu 10 bản nhạc Trịnh Công Sơn chuyển soạn cho guitar. Mới đây guitarist Kim Chung trình làng CD Mắt biếc gồm 8 ca khúc “vượt thời gian” chuyển soạn cho guitar. Điều đáng nói là sau khi phát hành, CD đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người nghe.
Trong tình hình hiện nay, ca sĩ đa số làm single và music video để phát hành online chứ ít ai làm album thì guitarist Kim Chung lại phát hành album mà lại là album độc tấu guitar theo phong cách cổ điển. Đây cũng là album độc tấu guitar nhạc Việt Nam hiếm hoi trong thị trường đĩa nhạc hiện nay.
Từ Hoài cảm của Dương Thiệu Tước
* Biết phát hành album lỗ là cái chắc, sao chị vẫn làm?
– Câu trả lời quen thuộc… muôn thuở: đó là vì đam mê. Tuy nhiên với một nghệ sĩ guitar cổ điển như Kim Chung để thỏa được lòng đam mê đó thì cũng gặp nhiều khó khăn. May mà có nhiều người hỗ trợ. Dũng Yoko thì thiết kế bìa album lấy với giá hữu nghị; thu âm tại phòng thu Nhạc viện TP.HCM cũng được tính phí ưu đãi vì tôi là giảng viên Nhạc viện… Nhờ vậy mà cũng đỡ rất nhiều.
* Trong album lần này, guitarist Kim Chung có một bước “đột phá” – đánh toàn những ca khúc Việt Nam – chị có thể cho biết lý do?
– Từ lúc bắt đầu phát hành album, tôi đã có dự tính trước, cứ 2 năm làm một album. Những album số lẻ (1, 3, 5…) mang tính chuyên nghiệp, còn những album số chẵn thì dành cho rộng rãi công chúng âm nhạc.
Album thứ 2 – Giấc mộng vườn hoa – gồm toàn những bài dễ nghe dành cho đông đảo công chúng, trong đó có duy nhất một bản nhạc Việt Nam là Hoài cảm (Dương Thiệu Tước). Rất nhiều ý kiến phản hồi muốn được nghe nhiều bản nhạc Việt Nam trình tấu với guitar cổ điển hơn nữa. Đó là lý do mà album thứ 4 này tôi tuyển chọn toàn những ca khúc Việt Nam nổi tiếng được nhiều người biết đến để chuyển soạn cho guitar.
* Theo chị, đánh những bài nhạc Việt Nam chuyển soạn cho guitar cổ điển, nó có bộc lộ hết những khả năng về ngón nghề của guitarist?
– Trong âm nhạc, điều quan trọng là cảm xúc, nhiều người cho rằng trình diễn nhạc Việt Nam thì rất dễ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, khi chuyển soạn một ca khúc Việt Nam thành một tác phẩm cho guitar cổ điển độc tấu, dễ hay khó về kỹ thuật là do người chuyển soạn. Những kỹ thuật của guitar cổ điển cũng là để góp phần diễn đạt tác phẩm nhằm mang lại hiệu quả cảm xúc cho người nghe, vấn đề là những kỹ thuật đó có phù hợp với việc diễn đạt tác phẩm hay không.
Và như đã nói, để thể hiện “đẳng cấp” của guitarist thì có những album số lẻ, còn album dành cho đại đa số công chúng thì phải dễ nghe, hấp dẫn…
Nhạc Ngô Thụy Miên mang lại nhiều cảm xúc
* Cảm nhận của chị như thế nào khi trình tấu những ca khúc Việt Nam, và ca khúc của tác giả nào mang lại cho chị nhiều cảm xúc nhất?
– Đầu tiên những ca khúc được chọn để chuyển soạn là những ca khúc có giai điệu đẹp, được đông đảo người nghe nhạc yêu thích. Nhìn chung là những ca khúc phù hợp với guitar, trong đó ca khúc của Ngô Thụy Miên mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.
Thông qua phần lời quen thuộc của các ca khúc, nó cũng giúp cho người trình tấu cũng như người nghe có thêm những cảm xúc thú vị.
* Đã phát hành ngày 21/5, chị có nhận được phản hồi nào từ công chúng?
– Trước khi phát hành, một số người thân, bạn bè đã nghe thử, ai cũng thật sự thích thú với album Mắt biếc này. Vừa phát hành vài ngày, rất nhiều người nghe tự tìm số điện thoại của tôi để nhắn tin, gọi điện đến chia sẻ. Có người cám ơn vì đã giúp họ nhớ lại ký ức của một cuộc tình đẹp; có người chia sẻ, nghe xong muốn đi học guitar ngay; có người tâm sự, họ nghe trong xe hơi và ngồi nghe mãi không muốn xuống xe…
Những điều đó thật sự là niềm động viên đối với bản thân tôi và cũng là những thông tin quý giá để tôi có những sản phẩm tiếp theo đáp ứng mong mỏi của mọi người.
* Chị từng học ở Tây Ban Nha, ở đó các guitarist có chuyển soạn các ca khúc của Tây Ban Nha như một cách để guitar cổ điển điển với đông đảo khán giả?
– Điều đó cũng có và tôi nghĩ đó là chuyện mà nhiều nơi làm. Richard Clayderman nổi tiếng thế giới đem tiếng đàn piano đến với đại chúng cũng từ những bản nhạc dễ nghe, hay cả Paul Moriat cũng vậy. Đó là con đường để đưa nghệ thuật mà mình theo đuổi đến với đông đảo công chúng. Nghệ sĩ phải tìm cách để đến với công chúng chứ không ngồi đợi công chúng đến với mình.
Bên cạnh nhạc cổ điển “xuống phố” ở Hà Nội, chương trình Giai điệu trẻlàm nhịp cầu để giới trẻ TP.HCM đến với nhạc hàn lâm; Phạm Thu Hà đem những giai điệu âm nhạc cổ điển đến với giới trẻ…, CD Mắt biếc với những thủ pháp đặc biệt của guitar cổ điển như tremolo (reo dây), harmonique (bồi âm), arpege (hợp âm rải) đến với người nghe thông qua các ca khúc quen thuộc của những nhạc sĩ nổi tiếng: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Cung Tiến được xem là một trong những nỗ lực làm đời sống âm nhạc đại chúng thêm phong phú.
Tag Cloud:
Leave a comment