Guitarist Kim Chung : Nồng nàn với Tremolo
Cho đến nay, Kim Chung được xem là guitarist đầu tiên ở VN “dám” thực hiện và tung ra thị trường một album độc tấu của mình với tên gọi Recuerdos de tremolo (Hoài niệm về tremolo)
Gặp Kim Chung, khó ai có thể ngờ một cô gái có thân hình mảnh dẻ, nhỏ nhắn, nhất là đôi bàn tay gầy guộc với những ngón không dài là một tài năng môn guitar classic. Cô hiện được coi là… của hiếm! Hiếm vì bản thân độc tấu guitar cổ điển là một nghề khó, đòi hỏi không chỉ ở năng khiếu bẩm sinh, ở cường độ tập luyện mà còn ở sức khỏe, tính chất sàng lọc rất gắt gao ngay cả với nam giới.
Ở “đầu vào” hằng năm tại các nhạc viện, các trường nghệ thuật, số thí sinh nữ được tuyển cho bộ môn guitar bao giờ cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp và theo thời gian, càng học lên cao, “tỉ lệ” này càng rơi rụng. Vì vậy, những gương mặt nữ tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật chuyên ngành guitar, tính trong cả nước cũng không có mấy người, còn được học bổng, sang tới xứ sở của Tây ban cầm để trực tiếp thọ giáo các môn đệ của Segovia như Kim Chung thì hiện nay, cả nước dường như cũng mới thấy có một.
Thách đố với bàn tay trái
Ba mẹ Kim Chung sinh sống bằng nghề kinh doanh nhưng cả 6 anh chị em cô đều có “máu” văn nghệ. Những khi rảnh rỗi, cả nhà xúm lại ca hát và tiếng đàn guitar tài tử của mấy ông anh đã mê hoặc cô em gái ngay từ khi cô còn rất nhỏ. Mười một tuổi, cô khệ nệ “ẵm” cây đàn cao quá khổ sang nhà ông nhạc sĩ hàng xóm Lê Vinh Phúc xin được “vỡ lòng” và 15 tuổi, cô đậu vào Nhạc viện TPHCM, học một “lèo” hơn 10 năm thì tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học chính quy.
Thành tựu đạt được:
* Giải II cuộc thi :Tài năng trẻ guitar TPHCM mở rộng 1997.
* Giải Biểu diễn bài VN xuất sắc nhất.
* Giải Nữ nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất.
* Tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học chính quy năm 1999.
* Nhận học bổng du học Tây Ban Nha (AECI) năm 2001.
* Nhận bằng tốt nghiệp khóa cao học chuyên ngành guitar do Nhạc viện Hoàng gia Madrid – Tây Ban Nha trao năm 2003.
* Hiện là giảng viên khoa guitar Nhạc viện TPHCM.Cô được giữ lại trường làm giảng viên và 2 năm sau, nhận học bổng của Tổ chức AECI đến Nhạc viện Hoàng gia Madrid – Tây Ban Nha để hoàn thành cao học chuyên ngành guitar với giáo sư Jose Luis Rodrigo, một nhà sư phạm lỗi lạc mà chỉ với chuyện được ông nhận làm học trò đã là một vinh dự.
Theo các chuyên gia về guitar cổ điển thì những người có bàn tay ngón ngắn như Kim Chung mà chọn môn guitar là làm chuyện thách đố với bàn tay trái, phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba mới bằng người. Ngày mới tập bấm, những ngón tay bé xinh non nớt không ít lần bị bầm sưng đến rỉ máu song vì quá say mê, sự đau đớn đối với Kim Chung trở thành “chuyện nhỏ”.
Những năm trung cấp cũng chưa thấy gì ghê gớm nhưng vào đến đại học, phải vật lộn với những bài tập khó, cô mới thấm hết sự nhọc nhằn ở cây đàn mà mình đeo đuổi. Mỗi ngày, luyện ngón đến 4 – 5 tiếng đồng hồ vẫn cảm giác như “chân trời” hãy còn ở vô tận. Khi nhìn thấy con gái ốm yếu ngồi thở dốc sau mỗi cữ tập đàn, ba mẹ cô xót lòng, khuyên nên chuyển sang học một nghề khác, bình thường và ổn định hơn cho cuộc sống tương lai của một người phụ nữ.
Nhưng Kim Chung lại thấy dường như số phận đã gắn chặt cuộc đời cô với cây đàn vất vả này, cho dù giờ đây, buông guitar ra, cô dư sức “sống khỏe” bằng vốn liếng tiếng Tây Ban Nha hoặc nối nghiệp ba mẹ mưu sinh nhẹ nhàng bằng nghề sản xuất và buôn bán bàn bi-da. Khởi đầu chỉ là học vì thích, song năng khiếu trời cho lộ dần qua năm tháng đã giúp cô không thối chí, vượt qua hết những đèo dốc của thử thách để trở thành một guitarist chuyên nghiệp.
Đến chết cũng còn phải học
Ngày đầu tiên đặt chân đến Nhạc viện Hoàng gia Tây Ban Nha tại thủ đô Madrid, Kim Chung không khỏi ngỡ ngàng khi biết được khóa cao học mà cô tham dự tổng cộng chỉ có… hai người: Kim Chung và 1 nam sinh viên người Mỹ! Càng hồi hộp hơn khi cô ra mắt giáo sư của mình: nghệ sĩ Jose Luis Rodrigo, vốn từng là học trò giỏi nhất của danh cầm Andres Segovia.
Gặp cô, ông hỏi cô muốn học gì. Nghe cô lúng túng trả lời rằng mình còn thiếu đủ thứ, cái gì cũng muốn học, ông cười: “Chính tôi đây cũng còn thiếu nhiều thứ, đến chết cũng còn phải học!”. Để được học ông, Kim Chung đã phải trải qua hai cuộc thi gay go và khi nghe cô biểu diễn kỹ thuật tremolo (reo dây), ông gật gù ngạc nhiên và ra vẻ thích thú khi nghĩ rằng ở đất nước VN xa xôi mà sao bộ môn guitar quê ông lại được truyền dạy một cách tinh tế đến vậy.
Học bổng ban đầu chỉ cấp cho 1 năm nhưng căn cứ vào kết quả học tập, cô được nhà trường xét cấp tiếp tục cho năm sau. Nhận xét về tiếng đàn của cô học trò VN của mình, giáo sư J.L. Rodrigo thường dùng chữ “bonito” (xinh xắn). Hết 2 năm, cô được thầy giáo giới thiệu ở lại tiếp tục học lên bậc cao hơn nhưng khi ấy, ở nhà, mẹ đang trở bệnh nặng, cô đành chia tay người thầy Tây Ban Nha đáng kính với lời hẹn “mong gặp lại” của thầy.
Trong thời gian 2 năm ở Madrid, nhằm hoàn thiện trong việc xử lý phần hồn của tác phẩm, Kim Chung đã dành hết những giờ rảnh để học tiếng Tây Ban Nha và trang bị những kiến thức về văn hóa của đất nước này. Cô trích tiền học bổng đến Viện Casa Patas, nơi chuyên dạy mọi thứ thuộc về flamenco (hát, múa, đánh trống, đàn…) để luyện thêm ngón đàn, để hiểu thêm “nỗi buồn sâu sắc” của thể loại này, vốn xuất phát từ miền Nam nghèo khó của đất nước bò tót. Vào những ngày hè, thay vì về nước thăm gia đình như đa số sinh viên nước ngoài ở Tây Ban Nha, Kim Chung sang Đức ghi danh học lấy thêm chứng chỉ Master về guitar classic. Cô đã tận dụng toàn bộ quỹ thời gian ngắn ngủi ở xứ người để bổ sung kiến thức cho mình, đúng như lời khuyên của vị giáo sư khả kính Rodrigo.
Hòa quyện hai trong một
Trở lại với công việc của một giảng viên guitar của Nhạc viện TP, Kim Chung hiện có khá nhiều học trò thuộc nhiều độ tuổi, thành phần và quốc tịch khác nhau. Cô tất bật từ sáng cho đến khuya, công việc chủ yếu là dạy học, thỉnh thoảng mới có dịp biểu diễn ngón nghề trước công chúng trong những buổi hòa nhạc ở Nhạc viện, hoặc ở “cái nôi” guitar cổ điển Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận. Như vậy là quá ít và quá phí cho một tài năng được học hành tử tế như Kim Chung.
Ở cương vị nào, một nghệ sĩ biểu diễn hay một cô giáo, Kim Chung cũng đều thể hiện hết năng lực và trách nhiệm. Nhạc sĩ Bùi Thế Dũng, một trong những người thầy dìu dắt Kim Chung trong nhiều năm, đã nói về cô học trò và bây giờ là đồng nghiệp của mình rằng: “Đó là một nữ nghệ sĩ guitar nổi trội, có tiếng đàn đằm thắm, có kỹ thuật reo dây đều, sáng đẹp và nồng nàn; một người thầy rất tận tụy với học trò. Cả hai tính chất tưởng như trái ngược – nghệ sĩ và nhà sư phạm – lại hội tụ được trong một con người, là một điều hiếm có”.
Có lẽ vì dành nhiều thời gian cho sự tận tâm với học trò và nồng nàn với “tremolo” nên Kim Chung dường như đang “bỏ quên” cuộc sống riêng tư. Một mình tất tả đi về, lên xuống trong một căn phòng đơn chiếc nằm tít trên lầu 8 của một chung cư. Thỉnh thoảng, máy di động hiện lên tin nhắn “kẻ hâm mộ vô hình”, không biết chủ nhân của nó thật giả như thế nào càng khiến cô gái mảnh mai thêm ngại ngùng. Vào những đêm trời trong, cô ôm đàn tựa cửa nhìn trăng, rải những nốt dịu dàng của bài Romance để tự ru hồn mình, lắng nghe hương vị của chất men hạnh phúc vừa gần vừa xa, chờ đợi một tremolo không chỉ nồng nàn trên phím đàn mà ngấm tỏa vào cả cuộc sống đời thường của một thiếu nữ, đã trót vận vào mình những đam mê… không đời thường.
Tag Cloud:
Leave a comment